Tròn một nhiệm kỳ là đại biểu Quốc hội, Giáo sư, Tiến sĩ, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tham gia đầy đủ các hoạt động của Quốc hội. Với tư cách là người đại biểu của Nhân dân, với cái tâm và cái tầm của mình, vị nữ đại biểu Quốc hội đã nói lên một cách trọn vẹn tiếng nói của người dân trên nghị trường. Nhân kỷ niệm 75 ngày Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên, xin trân trọng giới thiệu Phần 1 – Tiếng nói của nữ đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan về các vấn đề Quốc kế Dân sinh.
Một trong những hoạt động quan trọng của Quốc hội là thảo luận về kết quả và thông qua kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, hằng năm. Trong hoạt động này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan đã nhiều lần tham gia bàn luận và đưa ra các kiến nghị, đề xuất có trách nhiệm. Dưới góc độ của một người quản lý và trực tiếp làm công tác khoa học, giáo dục, xuyên suốt cả nhiệm kỳ, ý kiến của nữ đại biểu tập trung mạnh vào nhiều nội dung rất mới hiện nay, trong đó có khởi nghiệp đổi mới sang tạo. Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan thì Việt Nam hiện đang cần một chính sách đột phá phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Phát biểu về kết quả phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, giai đoạn 2016-2021, bà cho rằng nhiệm vụ, giải pháp thứ năm trong Báo cáo của Chính phủ đề cập việc chú trọng đặc biệt đến đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao, coi khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước là một giải pháp đúng đắn mang tính đột phá, tạo động lực then chốt để phát triển nền kinh tế tri thức nhanh và bền vững. Theo đại biểu Nguyễn Thị Lan thì trường đại học, viện nghiên cứu là một trong ba thành tố quan trọng nhất trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Hiện nay, Việt Nam có 237 trường đại học với 16.500 tiến sỹ, 574 giáo sư, 4.113 phó giáo sư, có quan hệ hợp tác quốc tế với hầu hết các tổ chức khoa học công nghệ hàng đầu trên thế giới, đây thực sự là nguồn lực quý giá có tiềm năng to lớn mà chúng ta cần phát huy, khai thác để đóng góp tích cực cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo động lực phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, mặc dù khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các trường đại học, viện nghiên cứu đã có những chuyển biến tích cực, xong những đóng góp từ khu vực này cho sự phát triển của đất nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp start-up cũng đã được quan tâm nhiều, tuy nhiên mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin-off chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực sự có cơ chế để khuyến khích, thúc đẩy mô hình này phát triển ở các trường đại học. Bà cho rằng, việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo là một quá trình có nhiều điểm đột phá, mà xương sống của sự phát triển là khoa học công nghệ với vai trò dẫn dắt của các trường đại học, các viện nghiên cứu và gắn bó hữu cơ với hoạt động của doanh nghiệp. Đồng thời, bà Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh: “khoa học công nghệ và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có vai trò nền tảng, quan trọng để phát triển một nền kinh tế tri thức bền vững. Và để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đó, chúng ta không thể không chú trọng đến mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin-off và đặc biệt vai trò dẫn dắt tiên phong to lớn của các trường đại học, viện nghiên cứu – nơi không những đóng góp nhiều ý tưởng và công nghệ đột phá mà còn là nơi cung cấp nguồn nhân lực không những giàu tiềm năng về khoa học công nghệ mà còn đầy sức trẻ với khát vọng khởi nghiệp mạnh mẽ, vì một nước Việt Nam giàu mạnh và hùng cường”. Gắn với lĩnh vực nông nghiệp, thuộc chuyên môn của mình, đại biểu Nguyễn Thị Lan nói: “Trong lĩnh vực nông nghiệp, nơi chúng ta đang có nhiều lợi thế và dư địa để đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo là chìa khóa để biến Việt Nam khát vọng hùng cường thành một quốc gia khởi nghiệp có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế”. Với các hiểu biết sâu sắc của mình về nội dung này, sau những lập luận rất thuyết phục trong các phát biểu trên nghị trường, nữ đại biểu đề xuất Quốc hội ban hành một số cơ chế, chính sách để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong trường đại học, đặc biệt là chú trọng mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ từ nguồn tài nguyên nguyên bản là spin-off, một mô hình mà thế giới coi là có hiệu quả thiết thực để phát triển và thương mại hóa các công nghệ được nghiên cứu thành công từ các trường đại học.
Đi sâu hơn vào lĩnh vực công tác, với tư cách là người lãnh đạo và thực hiện công tác khoa học và đào tạo tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, cần tăng cường khởi nghiệp cho sinh viên. Theo bà, khởi nghiệp không phải là thiếu nguồn vốn tài chính mà là thiếu kiến thức và năng lực, đây là nền móng giúp nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn về khởi nghiệp, từ đó đảm bảo khởi nghiệp đi vào chiều sâu lâu dài và liên tục. Trong đó, khó khăn lớn nhất của khởi nghiệp nông nghiệp là thiếu nguồn nhân lực trẻ có trình độ, thiếu môi trường và các nguồn lực cho khởi nghiệp, rủi ro lớn cả về tự nhiên và thị trường. Việc thúc đẩy khởi nghiệp nông nghiệp phải dựa vào 3 trụ cột: Đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp nông nghiệp; tạo dựng môi trường khởi nghiệp tại nông thôn; hỗ trợ vốn và pháp lý cho thanh niên nông thôn và những người muốn khởi nghiệp nông nghiệp. Và lực lượng trước mắt để đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp nông nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo là hàng chục ngàn sinh viên trong khối các trường nông, lâm, ngư nghiệp trên cả nước tốt nghiệp hàng năm. Các trường khối nông nghiệp cần xây dựng chương trình đào tạo khởi nghiệp bài bản, hệ thống nhằm từng bước đưa tư tưởng khởi nghiệp thấm vào suy nghĩ, đồng thời trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho sinh viên khi ra trường”. Từ kinh nghiệm thực tiễn của cơ sở đào tạo nơi mình đang công tác và lãnh đạo, đại biểu Nguyễn Thị Lan khẳng định: “các trường đại học cần gắn tự chủ với hỗ trợ khởi nghiệp”. Xuất phát từ quan điểm đó, tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, một Khu khởi nghiệp được xây dựng trên diện tích vốn trước đây là đất chưa được sử dụng, bị các hộ dân cư bên ngoài biến thành “bãi rác” bất đắc dĩ. Để hỗ trợ các ý tưởng Khởi nghiệp cho sinh viên, Học viện đã tổ chức các cuộc thi về ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, qua đó, các hồ sơ của thí sinh có ý tưởng tốt sẽ được Học viện lựa chọn, ưu tiên tạo điều kiện về mặt bằng, cơ sở vật chất tại Khu khởi nghiệp để sinh viên trực tiếp tổ chức kinh doanh các mặt hàng – dịch vụ phục vụ cho chính sinh viên trong Học viện. Cũng từ thực tiễn hoạt động khởi nghiệp, trong đó có khởi nghiệp sinh viên tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh: “chương trình khởi nghiệp quốc gia không thể mang tính phong trào” mà cần có chiều sâu, thường xuyên, liên tục và bền vững.
Là nhà khoa học, nhà giáo dục và lãnh đạo một cơ sở khoa học, giáo dục có bề dày truyền thống, có uy tín, một nội dung được đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan quan tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đại biểu thì không có nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ không có đột phá, gắn với ngành nông nghiệp, nữ đại biểu cho rằng: “Không thể có một nền nông nghiệp phát triển nếu thiếu vai trò dẫn dắt và nguồn lực từ khoa học, công nghệ. Khoa học và công nghệ sẽ là đòn bẩy trong quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng hiệu quả và năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế phát triển của đất nước”. Vì vậy, bà đề xuất: Gắn kết khuyến nông với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Giao cho các cơ sở đào tạo nông nghiệp làm đầu mối cùng với doanh nghiệp địa phương, nông dân xây dựng lại chương trình đào tạo khuyến nông sát thực hơn. Đầy đủ kiến thức, kỹ năng hơn phục vụ trực tiếp cho tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn mới. Đầu tư xây dựng các mô hình thí điểm hoàn chỉnh, phát triển bền vững và hiệu quả. Giúp nông dân các phương pháp làm, kỹ thuật cụ thể, đúng những thứ người nông dân cần. Như vậy, Chính phủ cần đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cho cơ sở đào tạo nông nghiệp có năng lực, đào tạo ra các cán bộ hạt nhân chuyên về nông thôn mới, đào tạo các giáo viên cho chương trình khuyến nông có đầy đủ kiến thức, kỹ năng đáp ứng thực tiễn đòi hỏi của nông thôn mới.
Ngoài ra, với mối quan tâm sâu sắc của mình về nguồn nhân lực chất lượng cao, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, đại biểu Nguyễn Thị Lan đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ rằng: “Trong thời gian qua, Việt Nam được coi là một trong những nước nói nhiều nhất đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, tôi có cảm giác là nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có chương trình hành động và giải pháp cụ thể để thích ứng với cuộc cách mạng này. Xin Bộ trưởng cho biết ngành giáo dục đã làm gì và có chính sách gì mới để chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0?”. Đáp ứng mối quan tâm của nữ đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phần giải trình trước Quốc hội. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan khá hài lòng với câu trả lời và chương trình hành động của Bộ trưởng đồng thời cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những hành động cụ thể, có các văn bản chỉ đạo cụ thể và đang triển khai tốt công tác này.
Như vậy, trong nhiệm kỳ Quốc hội thứ XIV, nữ đại biểu Quốc hội Nguyễn thị Lan đã nói tiếng nói của người dân, của nhà giáo, nhà khoa học về các vấn đề Quốc kế, Dân sinh với tư cách người đại biểu Nhân dân, dưới góc nhìn của một người quản lý, nhà giáo, nhà khoa học, nhà nông học về các nội dung liên quan đến lĩnh vực chuyên môn rộng lớn và sâu sắc.
Nguồn: https:///